0
Tin tức

Xu hướng kem ngoại nhập tại thị trường Việt Nam

Theo số liệu thống kê dự báo trên trang Statista, quy mô thị trường kem lạnh của Việt Nam năm 2019 ước đạt 74 triệu USD và giữ mức tăng trưởng kép hàng năm xấp xỉ 7,4% trong giai đoạn 2019 – 2023, cao hơn mức chung toàn thị trường đồ ngọt (4,8%). Kem lạnh là mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tiêu biểu được Kantar Worldpanel nhắc tới bởi trong khi cả thị trường FMCG chỉ tăng 5,2% ở khu vực nông thôn (không kể 4 thành phố lớn) thì ngành hàng Kem ghi nhận mức tăng trưởng gấp đôi và đạt mức tiếp cận người tiêu dùng cao nhất trong 3 năm qua. Tỷ lệ hộ mua tại khu vực nông thôn đạt 26,8%, cao hơn mùa cao điểm các năm trước đó.

Nghiên cứu của Kantar Worldpanel cho biết trong hè 2018 bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam tiêu thụ 1,7 kg kem với số tiền chi cho mỗi dịp mua bình quân là 26.000 đồng. Phân khúc giá tầm trung chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng nhu cầu ở phân khúc cao cấp cũng đang phổ biến hơn ở nhiều thành phố lớn.

Dư địa cho tăng trưởng vượt nhiều ngành hàng nhưng cạnh tranh trên thị trường kem lạnh cũng trở nên khốc liệt hơn. Theo số liệu đến năm 2017, hai hãng kem nội địa Kido Food và Vinamilk nắm giữ gần 50% thị phần ngành kem. Còn Unilever Việt Nam với dòng kem Corneto giữ 6,1%, đứng thứ 3 về thị phần. 2018 là năm đầu tiên CTCP Thực phẩm đông lạnh Kido, đứng đầu thị phần ngành kem tăng trưởng âm doanh thu. Doanh thu ngành kem giảm 12,3% và mảng sữa chua giảm 32,3% do sự cạnh tranh gay gắt là nguyên nhân chính khiến doanh thu năm 2018 của Kido Food giảm 15,7% so với năm trước chỉ đạt 1.258 tỷ đồng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Thủy Tạ, hãng kem lâu đời của Hà Nội, với doanh thu khối thị trường kem giảm 3,1% so với năm 2017, thu về gần 46 tỷ đồng.

Sự thâm nhập nhanh, mạnh của các thương hiệu ngoại đã chia thị trường kem ra làm nhiều phân khúc. Các loại kem Hàn Quốc tập trung vào đối tượng phổ thông và trung cấp. Các loại kem này được bày bán rất nhiều trong siêu thị, các cửa hàng tiện lợi hay hệ thống bán lẻ. Chất lượng tốt, giá cả phải chăng (dao động từ 12.000 - 20.000 đồng/cây kem), đây cũng đang là sản phẩm được nhiều khách hàng Việt lựa chọn. Ở nhiều cửa hang tiện lợi hay siêu thị, lợi nhuận từ lượng kem hằng ngày bán ra còn cao hơn sản phẩm chính.

Ở ngành kem, chất lượng sản phẩm tốt và hệ thống phân phối mạnh là hai động lực mấu chốt để thành công. Sự gia nhập của các hãng kem ngoại, thuế nhập khẩu mặt hàng từ nhiều quốc gia mà Việt Nam ký Hiệp định FTA ưu đãi hơn, cùng đó là sự hậu thuẫn phân phối của nhiều siêu thị ngoại hay việc phát triển mạng lưới phân phối qua kênh online. Những thay đổi trên có thể làm nóng hơn cuộc đua thị phần mặt hàng kem lạnh.

Viết bình luận

Facebook Thực phẩm Bách Khang Zalo Thực phẩm Bách Khang hotline